Nhưng, sợ vợ thì có làm sao!
Vợ không sinh ra mình nhưng giúp mình giữ gìn sức khỏe khi cấm mình hút thuốc lá, uống rượu, bia, bắt mình ăn, ngủ điều độ. Vợ giúp mình rèn tính kiên nhân, chờ đợi không biết mệt khi nàng bận mua sắm.
Vợ buộc mình phải rộng lượng (và thật thà), kiếm được bao nhiêu tiền về đưa hết cho vợ mà không tiếc (và không bớt). Vợ luyện cho mình thành thục các bài tập thể dục tại gia như đổ rác, phơi quần áo, dọn dẹp nhà cửa. Vợ dạy cho mình tính gọn gàng, trật tự chỉ được bày biện đồ giới hạn trong một góc tủ mà vợ dành riêng cho.
Vợ khuyên mình nên đàng hoàng, chính trực, ra đường chỉ nhìn thẳng, không ngó ngang, liếc dọc, nhất là chỗ có đông phụ nữ. Vợ giúp mình trở thành người cha gương mẫu khi biết thay tã, tắm rửa cho con, ru con ngủ, cho con ăn, dạy con học...
Và cuối cùng, vợ dạy mình tính phục thiện, sẵn sàng nhận lỗi ngay cả khi... mình chả làm gì sai. Chừng đấy công lao to lớn của vợ mà mình không biết nể, biết sợ thì mình đích thị là một kẻ vô ơn, không hơn không kém!
Những ông chồng có thâm niên còn có thể nêu ra cả tá lý do nữa khiến họ phải "sợ" một nửa thế giới ở trong nhà. Hãy biết sợ vợ nếu như không muốn cả tuần sau phải ăn mì gói hay vất vưởng cơm bụi ngoài phố. Hãy biết sợ vợ nếu như không muốn chịu cảnh "mỡ treo mèo nhịn đói" và ngủ dài dài ở sofa phòng khách. Hãy biết sợ vợ nếu như không muốn phải nghe "cái radio chạy bằng cơm" phát không nghỉ "từ vươn thở đến tiếng thơ!". Và quan trọng hơn cả, hãy biết sợ vợ nếu không muốn thấy anh hàng xóm hay tay đồng nghiệp ở cơ quan vợ sẵn sàng sợ nàng thay mình!
Các kiểu sợ vợ
Bỏ qua những anh chồng vì hoàn cảnh "thân cư thê" nên coi "ý vợ là ý trời", vợ có cưỡi lên đầu thì cũng vẫn chẳng lấy làm vì. Bỏ qua những anh chồng quá nhiều tội lỗi nên luôn phải xun xoe nịnh bợ để che mắt vợ hoặc mong vợ tha thứ. Ở đây chúng ta chỉ bàn đến những kiểu "sợ vợ" rất đàn ông của các ông chồng nhiều chữ mà thôi.
Có anh lập trình viên ngày chưa lấy vợ thì một tuần đến sáu chiều la cà bi-a, nhậu nhẹt, từ khi có "rọ buộc chân" thì bạn bè cấm có bao giờ rủ rê đàn đúm sau giờ làm được nữa. Hết giờ làm anh còn phải đi đón "một nửa cuộc đời", trong lúc vợ nấu ăn thì anh phải dọn nhà, rồi thực hiện cái chế độ " ba cùng": cùng ăn, cùng xem ti-vi, cùng ngủ. Bận thế thì rõ ràng phải từ chối những cuộc bù khú mà không đi cùng chả chết ai chứ còn gì!
Có anh kiến trúc sư hết giờ làm lại hớt ha hớt hải về đón con và cơm nước vì vợ còn phải học cho xong cái văn bằng hai. Mấy cữ cà phê chiều đã bị hình ảnh nồi cơm điện nó đè cho dúm dó.
Có anh giám đốc điều hành cả công ty hàng trăm nhân viên, một chữ ký đáng giá hàng vạn đô nhưng về nhà thì vẫn ngoan ngoãn làm nhân viên của nội tướng, muốn đổi bộ dàn mới mà vợ chưa "duyệt" thì cũng chả dám tự ý vác về.
Người ngoài nhìn vào thương hại mấy anh này "bị vợ xỏ mũi", "đội vợ lên đầu". Thế nhưng trong những ngữ cảnh này, cái khái niệm sợ vợ của các anh phải gọi đích danh là có trách nhiệm với gia đình và biết chia sẻ việc nhà với vợ, biết tôn trọng cái người nâng khăn sửa túi cho mình mới đúng chứ!
Nói tóm lại sợ vợ không phải là một khuyết điểm, trái lại nó là một đức tính tốt bởi nó làm giảm đáng kể tỉ lệ đàn ông ngoại tình và bạo hành. Các anh chồng biết sợ vợ, chia sẻ việc nhà với vợ thì không chỉ là những người chung thủy mà còn hiếm khi giải quyết mọi việc bằng nắm đấm.
Các nhà xã hội học ở Ý, ở Mỹ sau các cuộc khảo sát quy mô đều đưa ra kết luận: "chồng sợ vợ là dấu hiệu của hôn nhân hạnh phúc". Thế mới biết không chỉ riêng đàn ông Việt mới sợ vợ. Và dù có mang tiếng sợ vợ thì các anh cũng chẳng việc gì phải phiền lòng vì các anh còn dũng cảm hơn ối người chưa (hoặc không) dám lấy vợ vì… sợ!
Theo Ngân Huyền
Sành Điệu