Thanh Tùng hoạt động âm nhạc đã lâu, nhưng anh vốn là một nhạc trưởng chỉ huy dàn nhạc và một nhạc sĩ phối âm phối khí, ít ai biết rằng anh vẫn âm thầm viết ca khúc mà không hề công bố đã từ nhiều năm trước đây, cho mãi đến khi ca khúc Đến đây từ Trị An ra đời từ một đội ca khúc chính trị của một công ty xây dựng, người ta vẫn không biết tác giả của nó là ai. Bởi vì mặc cảm tự ty, tác giả đã không cho phép công bố tên mình. Mặc dầu vậy, công chúng yêu âm nhạc nhất là trong giới trẻ đã sớm nhận ra ở anh, một người viết ca khúc có nhiều triển vọng, và có thể nói Thanh Tùng, người sáng tác ca khúc đã trở nên thật sự gần gũi với quần chúng từ lúc ca khúc Hát với chú ve con của anh được giới thiệu rộng rãi trên làn sóng Đài truyền hình thành phố; cũng như ca khúc Cám ơn mùa thu, một thời sôi động trên các sân khấu ca nhạc mà lời ca có những câu như sau:
"Có những lúc tôi ngồi một mình. Và nắng ấm áp như lời tự tình. Đến bên tôi và em nói rằng: Hãy hát với tâm hồn của mình. Hãy đánh thức trái tim ngủ yên này hỡi trái tim đang ngủ yên".
Từ đó, giới sáng tác âm nhạc cũng như những người yêu âm nhạc chào đón những thành công mới của Thanh Tùng và anh đã không phụ lòng mong đợi ấy. Đó là các ca khúc Hoàng hôn màu lá, Nếu tôi chết hãy chôn tôi với cây đàn ghi-ta, Lời tỏ tình của mùa xuân, Ngôi sao cô đơn liên tục được bình chọn là một trong những ca khúc được yêu thích nhất trong những năm kế tiếp nhau.
Cũng như trong nghề phối âm phối khí, trong sáng tác ca khúc, Thanh Tùng đã luôn cố gắng chứng tỏ cho mọi người không chỉ tài ngăng của mình mà chả sự lao động sáng tạo nghệ thuật thật sự. Nghe những ca khúc của anh, người ta không thấy sự dễ dãi, mặc dù hình như anh viết khá nhanh. Điều đó thể hiện rõ ở sự tìm tòi những nét độc đáo trong các đường nét giai điệu, trong sự lựa chọn nhựng ý tứ và câu chữ của lời ca. Nét đặc trưng ca khúc của Thanh Tùng là tính trữ tình trong sáng. Anh còn là một người nhạc sĩ sáng tác thích đi vài những câu chuyện về tình cảm riêng tư, từ đó thể hiện cái chung của nhiều người.