Năm 1996, lần đầu tiên người Hà Nội được biết đến một Bảo Chấn - người viết ca khúc của Sài Gòn trong chương trình nhạc hội năm 96. Chương trình này giới thiệu một số nhạc sĩ mới xuất hiện trong khoảng thập niên 90, được coi là nhạc sĩ trẻ nhưng năm nay Bảo Chấn đã sáu mươi ba, kém Dương Thụ hai tuổi. Những ca khúc lạ tai so với nền âm nhạc chính thống Bắc Kỳ của anh thoạt đầu bị chê là nghe có vẻ "Hải ngoại". Nhưng khi sự thực là các ca sĩ hải ngoại đã thu băng đĩa những ca khúc đó thì nhạc Việt trong hay ngoài nước vẫn là nhạc Việt.
Bảo Chấn có một sự nghiệp "âm nhạc trong nhà". Hầu hết các băng đĩa nhạc ấn hành tại Sài Gòn thời kỳ sau giải phóng đều do anh em Bảo Chấn - Bảo Phúc hòa âm. Lần đầu tiên tôi tiếp xúc với hệ thống "âm nhạc trong nhà" của ông là đĩa nhựa 75 của Dihavina "Tiếng hát Thanh Hoa" năm 1985. Anh hòa âm cho bài Tình yêu bên dòng sông Quan họ của cố nhạc sĩ Phan Lạc Hoa. Rất thán phục, lúc ấy tôi chỉ ngạc nhiên là tại sao cái ông Bảo Chấn này duyên ngầm thế mà không sáng tác ca khúc.
Từ năm 98, Bảo Chấn và Dương Thụ đã liên tục cùng được bình chọn là những nhạc sĩ có nhiều ca khúc được yêu thtch nhất trong năm những: "Tình thôi xót xa", "Một ngày mùa đông", "Nỗi nhớ dịu êm, "Bên em là biển rộng", "Giấc mơ tuyệt vời", "Hoa cỏ mùa xuân" hay là "Dường như"...v..v của Bảo Chấn đều mách bảo cho tôi thấy con đường đi đến cái đẹp theo dấu ấn của sự hài hòa. Các ca khúc của anh không rườm rà về khúc thức cũng không hay chuyển điệu đột ngột, sự bình ổn trong lối tiến hành giai điệu đem lại cho các ca khúc một sự êm dịu, lãng mạn có những lúc rất du dương, bay bổng. Riêng "Về với anh" và "Dường như" thì tôi đánh giá là vượt trội hơn về tư đuy và sớm được một hình thức thể hiện khá nhuần nhuyễn, tinh tế hơi... tiểu tư sản tiền chiến (điều này chỉ là cảm nhận cá nhân). Cũng có ý kiến cho rằng ca khúc của Bảo Chấn "sến". Tôi không đồng tình và cũng không cho rằng đó là ý kiến không thỏa đáng. Quan niệm về "sến" vốn không dùng để qui kết. Lâu nay "Sến" tính từ đã bị lạm dụng thay cho "Sến" danh từ. Có thể thấy trong âm nhạc của cả Dương Thụ lẫn Bảo Chấn một sự phục sinh của những cái bảng lảng mơ mộng thời bình bắt lại một mạch không qua chiến tranh; hay cái trong sáng hồn nhiên cũng lại không bom đạn thuốc súng, không vương dấu ấn của cái chết hay sự mất mát, không có ám khí, không có sự hô hào lên hay tuyên thệ, minh họa. Cái duy nhất mà các anh minh họa là cái tôi, cái tình và cái đẹp.
|