Chúng ta biết ông là một nhạc sĩ tài danh, tác giả của Bài ca hy vọng, Trời Hà Nội xanh, Nha Trang mùa thu... là người đã tốt nghiệp nghiên cứu sinh loại ưu tại nhạc viện An-ma A-ta (Liên Xô trước đây) với tổ khúc vũ kịch ba-lê "Kơ Nhi" được dàn nhạc giao hưởng quốc gia Việt Nam, Nga, Đức... biểu diễn nhiều lần. Lại nữa: Nghe lời ăn tiếng nói, nhìn phong thái, cử chỉ của ông, nhiều người cứ ngỡ ông được sinh ra và lớn lên trong nhung lụa. Nào ngờ, ông là một lão thành cách mạng, có tuổi thơ chăn trâu cắt cỏ, tuổi thanh xuân gian nan, tù đày và cầm súng.
Ông là Văn Ký (tên thật Vũ Văn Ký), sinh ngày 1-8-1928 tại xóm Nhì-Liên Minh-Vụ Bản-Nam Định trong một gia đình có truyền thống nho học. Tuổi thơ ông theo người chú vào Nông Cống-Thanh Hóa học tư rồi khi học hết năm thứ 3 trung học thì ở nhà giúp chú bốc thuốc. Năm 1943, ông tham gia cách mạng khi mới tròn 15 tuổi. Năm 1944, do sơ suất của người liên lạc, ông bị địch bắt. Và, thế là mới 16 tuổi đời ông đã phải một mình đối đầu với kẻ thù đầy nham hiểm và ác độc. Dụ dỗ, đòn roi, dìm nước, dí điện... không khuất phục nổi ông, các cơ sở cách mạng trong vùng vẫn tồn tại và phát triển. Rồi Nhật đảo chính Pháp, để mị dân chúng thả tất cả tù chính trị về... Năm 1945, ông phụ trách dân quân huyện Nông Cống tham gia giành chính quyền. Năm 1946, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản và sau đó ít tháng được cử làm Huyện đội trưởng huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Thời gian này, không hiểu do may mắn hay do sự sắp xếp của định mệnh mà ông bị thất tình! Ông nói: Tình yêu là cơ duyên đưa tôi đến với âm nhạc. Và, thất tình là cơ duyên để tôi biết: Mình có thể sáng tác âm nhạc ngay cả trong lúc đặt một nốt nhạc còn không hiểu có đúng luật hay không? Chuyện là: Có một người con gái xinh đẹp, thông minh, người Hà Nội theo cha mẹ tản cư vào Thanh Hóa. Để rồi "Gái sắc gặp trai tài"... Rồi yêu, yêu say đắm nhưng... theo thăng trầm của thời cuộc, người con gái lại theo gia đình hồi cư về Hà Thành hoa lệ, để lại anh Huyện đội trưởng tỉnh Thanh Hóa với cung đàn ghi-ta cũ kỹ. Vào một đêm trăng sáng, giữa mênh mông cô đơn, giữa thiết tha thương nhớ, bài hát "Trăng xưa" ra đời. Khả năng sáng tác sớm bộc lộ lại gặp lãnh đạo Tỉnh có "đôi mắt xanh" nên ông được trên cho đi học lớp âm nhạc Liên khu 4 ở Nghệ An. Sau 6 tháng học tập, ông cùng Hải Châu (em trai nhà Cách mạng Hải Triều) và Minh Hiến (sau là biên đạo múa-Giám đốc nhà hát ca múa nhạc Trung ương) được điều vào hoạt động ở Bình-Trị-Thiên khói lửa... Ông không thể quên những tháng ngày đói quay đói quắt, sắn luộc triền miên; những đợt mưa rừng tầm tã, lê thê tưởng không thể dứt. Ông không thể quên những khuôn mặt gầy gò, đen đúa với cảnh sống nghèo đói khổ đau đến tận cùng kiếp người của người dân Bình-Trị-Thiên ngập tràn yêu thương "Anh Bộ đội Cụ Hồ", vẫn sẵn sàng chở che, giúp đỡ các anh. Ông không thể quên những buổi biểu diễn đơn sơ dưới ánh đèn dầu tù mù mà người dân vẫn lắng mình nghe như nuốt từng lời ca, tiếng hát. Có thể nói đây là thời kỳ hoạt động hào sảng, phấn khích nhất của đời tôi. Thời gian này ông viết "Bình-Trị-Thiên quật khởi" được giải thưởng của Hội văn nghệ Liên khu 4.
Bước sang giai đoạn 1950-1954, Văn Ký làm trưởng đoàn Văn công Liên khu 4. Năm 1954, đại hội văn công toàn quốc, ông được 2 giải thưởng lớn cho hai hoạt cảnh: Dân công lên đường và Lúa thoái tơ. Rồi ông được lên gặp Bác Hồ... ông đệm ghi-ta cho Ngọc Dậu hát... và, sau đó trong đại hội ông được tặng Huy hiệu Hồ Chủ tịch.
Sau đại hội, Nguyễn Xuân Khoát và Văn Cao giữ ông lại Hà Nội để tham gia sáng lập Hội nhạc sĩ Việt Nam (1957) và từ đây cuộc sống-sự nghiệp của ông gắn bó máu thịt với mảnh đất ngàn năm văn hiến. Ông nói: Hà Nội đã là quê hương của tôi. Hà Nội đã cho tôi cuộc sống-sự nghiệp. Có thể nói, tất cả những sáng tác quan trọng nhất của đời tôi đều được viết ra trên mảnh đất này: "Tây Nguyên bất khuất-1959-Giải nhất Hội Nhạc sĩ Việt Nam", "Cô giáo Tày cầm đàn lên đỉnh núi-Giải thưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo", "Trời Hà Nội xanh-1983-Giải thưởng Hồ Gươm"... và ngay cả "Bài ca hy vọng"... Hà Nội đã cho tôi Bài ca hy vọng: Vào một ngày giáp tết của năm 1959... Những đợt rét nhất của mùa đông đã qua, Hà Nội đang ấm dần lên... Qua cửa sổ căn phòng làm việc, tôi nhìn lên bầu trời; Trời Hà Nội thật xanh-xanh đến ngỡ ngàng. Hình như các chồi non cũng đang cựa quậy... Niềm hy vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước bỗng trào dâng trong tôi bật thành giai điệu: Về tương lai! Ngày quê hương màu xanh áo mới, chứa chan niềm tin. Đường ta đi xanh thắm mộng đời. Về tương lai... Nếu không có quá khứ hào hùng của cách mạng mà mình đã nếm trải, nếu không có cảnh sắc mùa xuân đẹp đến nao lòng của Thủ đô, nếu không có khí thế náo nức của nhân dân Hà Nội chuẩn bị cho kế hoạch 5 năm lần thứ nhất thì làm sao tôi bật ra được giai điệu tràn đầy hy vọng vào tương lai đất nước đến thế. Tôi mừng quá chạy sang khoe với anh Nguyễn Văn Tý. Anh Tý nghe xong cũng mừng, nói: Cứ thế mà phát triển, mà hoàn thiện. Rồi lại, tấm lòng của nhân dân Thủ đô đối với đồng bào miền Nam ruột thịt lại trào dâng trong tôi... Cánh chim xao xuyến gió mùa xuân. Gửi lời chim yêu thương tới miền Nam quê hương, nhắn rằng ra ngày đêm mong nhớ... Hà Nội đã cho tôi những giai điệu và lời ca lãng mạn nhưng không viển vông, thiết tha mà không ủy mị. Tôi mang bài hát đến đài Tiếng nói Việt Nam, anh Phạm Tuyên và anh Trần Lâm cũng thích và không sửa từ nào. Ngày đó một bài hát muốn phát trên đài phải được chuẩn bị rất chu đáo. Tôi phải tự viết phần đệm Piano cho Hoàng Mãnh, đệm sáo cho Lê Bích và trực tiếp cùng Khánh Vân tập hát đến 3 tháng mới xong. Ngày đó cách mạng miền Nam đang trong những ngày đen tối nhất, Mỹ-Diệm ra luật 10/59, lê máy chém đi khắp miền Nam hòng dập tắt niềm tin và hy vọng. Ngày đó một tấm bưu thiếp gửi vào Nam cũng phải vòng vèo qua nước này, nước nọ. Thế mà, khi bài hát được phát trên đài, nó có sức lan tỏa diệu kỳ, nhanh chóng tràn vào cả các song sắt nhà tù Mỹ-Diệm-nơi nhân loại vẫn gọi là: Địa ngục trần gian. Tôi yêu Hà Nội lắm! Hà Nội đã là máu thịt của đời tôi. Nhớ năm 1979, một nữ ca sĩ nổi danh từ chế độ cũ ra Hà Nội chơi, nói với chúng tôi: Em đã hát ở rất nhiều nơi nhưng chưa được hát cho người Hà Nội nghe.
Thế là tôi viết ca khúc "Hà Nội mùa xuân": Gửi về anh người trai Hà Nội. Trái tim em vời vợi nhớ thương... Sáng, tôi đưa cho nữ ca sĩ bài hát này rồi chẳng hiểu chị ấy tập thế nào mà ngay tối ấy trên sân khấu nhà hát lớn Thành phố, chị ấy đã hát rất hay, rất thuần thục, được khán giả nhiệt liệt hoan nghênh. Mảnh đất Hà Nội này thiêng liêng lắm. Nó đã cho Nguyễn Đình Thi, Hoàng Hiệp, Vũ Thanh, Phan Nhân... những bài hát rất hay. Ơn trời, năm 1983 tôi cũng được "Trời Hà Nội xanh": Xanh xanh thắm bầu trời xanh Hà Nội, Hồ Gươm xanh như mái tóc em xanh...
Tình yêu Hà Nội trong ông thật da diết. Hôm nay nhạc sĩ Văn Ký đã ở tuổi 80 nhưng ông vẫn âm thầm viết về Hà Nội. Những người con xa xứ nhớ mùa thu Hà Nội:
... Mùa thu Pa-ri-Mùa thu Hà Nội
Sông Xen đang trôi riêng em vẫn đợi...
Nhớ Hà Nội: Hướng về Hà Nội âm thầm nhắc
Mãi mãi lòng người chẳng nhạt phai...
Gửi thơ về cho ông nhờ ông phổ nhạc. Mảng "Tâm tình Việt kiều" này ông cũng đã làm được tới 3 đĩa nhạc:
2001: Đĩa Gửi về đất mẹ
2002: Đĩa Bầu trời tuổi thơ
2004: Đĩa Tiếng đàn người thiếu phụ
Ngoài ra ông còn viết: Hò đổ móng cầu Thăng Long, Hà Nội nhớ, Lời Bác trong tim ta... cho 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, ông đang ráo riết chuẩn bị một liên khúc về Hà Nội. Hà Nội cho ông rất nhiều: cho sức khỏe-cho bút lực dồi dào-cho niềm tin và hy vọng. Chúng ta mong chờ và hy vọng ở những ca khúc mới của ông.