Phạm Duy sinh tại Hà Nội năm 1921, theo học các Trường Trung Học Thăng Long, Cao Đẳng Mỹ Thuật, Kỹ Nghệ Thực Hành, tự học nhạc và đi huấn nghệ tại Pháp trong 2 năm 1954-1955, học trò của Robert Lopez và bàng thính viên tại Institut de Musicologie, Paris...
Trong khi các người khác đi theo xu hướng nhạc Âu Tây thì Phạm Duy chủ trương nhạc Việt Nam loại mới phải khởi nguồn từ nhạc dân ca cổ truyền, và suốt trong 50 năm qua, trong chiến tranh cũng như trong hoà bình, Phạm Duy đã sáng tác khoảng trên dưới 1000 ca khúc, nói lên niềm vui, nỗi buồn, vinh quang, tủi nhục... của người Việt trong một thời kỳ sôi động nhất của lịch sử.
Phạm Duy xuất thân từ một gia đình văn nghiệp. Cha là Phạm Duy Tốn thường được xem như nhà văn xã hội đầu tiên của nền Văn Học Mới ra đi hồi đầu thế kỷ. Tác phẩm của Cụ Tốn được đưa vào học trình Trung Học, đăng trong các sách giáo khoa ví dụ những bài Sống Chết Mặc Bay, Một Cảnh Thương Tâm...
Anh là Phạm Duy Khiêm, Giáo Sư Thạc Sĩ, Cựu Đại Sứ Việt Nam tại Pháp Quốc, văn sĩ Pháp văn, tác giả những cuốn Légendes Des Terres Sereines, Nam Et Sylvie, De Hanoi à Lacourtine...
Khởi sự đi nhạc của mình là một ca sĩ trong gánh hát Đức Huy, đi hát lưu động từ Bắc qua Trung vào Nam trong những năm 1943-1945. Là người đầu tiên hát nhạc cải cách trên đài Radio Indochine ở Saigon vào năm 1944, mỗi tuần, trình bày 2 lần.
Rồi trở thành cán bộ văn nghệ trong cuộc Kháng Chiến chống Pháp và là một trong những người thành công nhất trong những người soạn nhạc lúc đó.
Ông đã từng vào miền Trung, đi thẳng đến chiến trường Bình Trị Thiên, ăn khoai với các bà mẹ, bà chị ở Quảng Trị, nghe những câu chuyện của những bà mẹ có con đi làm Cách mạng và bị chặt đầu. Và ông đã viết nhiều bài hát rất Cách mạng, bài hát thể hiện sự căm thù sâu sắc với giặc Pháp, đó là những bài Chiến Sĩ Vô Danh, Bà Mẹ Gio Linh...
Kết duyên với ca sĩ Thái Hằng và là người đã đóng góp vào sự thành lập của ban hợp ca nổi danh trong thập niên 50 là ban Thăng Long, thành phần của ban này là anh em ruột của Thái Hằng. Vào giữa thập niên 60, các con của Phạm Duy, Thái Hằng cũng theo nghề nhạc và trở nên những ca nhạc sĩ trong loại nhạc trẻ và đã tự thành lập một ban nhạc combo gọi là The Dreamers.
Gia đình của Phạm Duy có thể coi là một đại gia đình âm nhạc, đều là những người có vai trò lớn trong nền âm nhạc nước nhà. Đó là những Thái Hằng, Thái Thanh, Phạm Đình Chương, thế hệ sau này là Duy Hùng, Duy Quang, Thái Hiền, Thái Thảo, còn Duy Cường thì được coi như một arrangeur có hạng. Tính cả con rể Phạm Duy là Tuấn Ngọc cũng là một danh ca hàng đầu.
Phạm Duy đã chia sự nghiệp của mình ra nhiều giai đoạn :
* Khởi đi từ dân ca, phản ánh người dân Việt Nam trong thời đấu tranh giành độc lập rồi tới trường ca là liên khúc của nhiều bài dân ca, nói lên cái vĩ đại của dân tộc Việt.
* Sau đó là tâm ca, những bài ca thức tỉnh lương tâm, phản đối bạo lực và lòng phi nhân.
* Tới đạo ca, mang tính chất thiền ca, là những bài hát đi tìm sự thật.
* Rồi tới tục ca, những bài hát tiếu lâm nói thẳng vào cuộc đi đầy rẫy ngụy thiện.
* Tới bé ca, nữ ca và bình ca là những khúc hoan ca.
Ngoài ra, còn những tình khúc mà suốt 50 năm qua, trải qua nhiều thế hệ, hầu hết đôi tình nhân Việt Nam nào cũng đều hát tới và sẽ nhớ mãi.
Ngoài việc viết nhạc và đi hát rong, Phạm Duy còn là tác giả của nhiều sách và bài báo chuyên về khảo cứu nhạc Việt, sau khi ông đã làm Giáo Sư về Khoa Nhạc Ngữ tại Trường Quốc Gia Âm Nhạc Saigon. Cuốn Đặc Khảo Về Dân Nhạc Việt Nam tức Musics of Viet Nam đã được ấn hành bằng Việt ngữ và Anh ngữ.
Loạt bài về Lược Sử Năm Mươi Năm Tân Nhạc Việt Nam đang được đăng trên một số báo.Cuốn sách Đường Về Dân Ca đã được xuất bản năm 1990 do nxb Xuân Thu ấn hành.
Phạm Duy cũng là người bạn thân thiết với Văn Cao và cùng Văn Cao sáng tác nhiều ca khúc trong thời kháng chiến chống Pháp, lúc ấy Phạm Duy cũng là một ca sĩ rất nổi tiếng và cất tiếng hát mang lời ca nhạc sĩ Văn Cao đi khắp các chiến khu.
Năm nay đã 85 tuổi, Phạm Duy được coi là một trong những cây đại thụ của nền âm nhạc nước nhà còn lại. Và tháng 5/2005, Phạm Duy đã chính thức trở về định cư ở Việt Nam, đến nay đã có nhiều ca khúc Phạm Duy được cấp phép phát hành trong nước.
Tất cả những ca khúc của Phạm Duy đã được Phương Nam Phim mua độc quyền và toàn quyền phát hành. Đầu năm 2006, một tin vui cho nhiều thế hệ yêu nhạc Phạm Duy khi CD đầu tiên của Phạm Duy - ngày trở về - Phương Nam Phim phát hành đã được chính thức phát hành trong nước, đây cũng là CD đánh dấu ngày trở về của Phạm Duy ra mắt vào năm mới 2006.
(Thông tin tổng hợp từ dactrung - TTO)